Tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023, tập đoàn Vinapro đã được các đại biểu đánh giá cao khi tiên phong đổi mới sáng tạo để chinh phục thị trường với sản phẩm Richer Milk.
Richer Milk tham gia Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12
Đại diện Vinapro cùng 350 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điều thô, xuất nhập khẩu điều thô đã tham dự Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần 12 ở TP. Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị, Vinapro đã đem đến các dòng sản phẩm được chế biến sâu từ nhân điều. Trong đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao về sữa nhân điều Richer milk - giải pháp để chinh phục thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Richer Milk vinh dự trở thành Top 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam
Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần 12 do Hiệp hội Điều Việt Nam Vinacas phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức nhằm phân tích, đánh giá lại tình hình hoạt động của ngành Điều Việt Nam và thế giới, đồng thời gợi ý, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại.
Báo cáo của Vinacas tại Hội nghị, năm 2022 xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu điều cả năm 2023 đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2022.
Phân tích sâu hơn về bối cảnh thị trường hiện nay, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành điều Việt Nam cùng cộng đồng các nhà chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại… điều nguyên liệu, điều nhân quốc tế cũng đã chỉ ra được những hạn chế, khó khăn của ngành Điều Việt Nam và thế giới. Cụ thể, dự báo năm 2023 ngành Điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng...
Nhà máy sản xuất hạt điều của Tập đoàn Vinapro
Theo đại diện Vinacas, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ chính sách hỗ trợ người trồng điều, hạn chế xuất khẩu điều thô của các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Tanzania… Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ nhân điều lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang áp dụng các chính sách hạn chế sản lượng điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam.
Cùng với đó là vấn đề lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam; đặc biệt là tình trạng tồn kho nhân điều tại những thị trường này. Phần lớn các nhà nhập khẩu nhân điều của châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác đều không có nhu cầu mua nhân điều cho đến hết quý II/2023. Và việc các ngân hàng Trung ương tăng cao lãi suất cũng khiến cho các nhà nhập khẩu không còn khả năng mua hạt điều với khối lượng lớn để dự trữ như trước…
Từ thực tế thị trường, các chuyên gia ngành Điều cũng đã đề xuất những giải pháp, sáng kiến giúp ngành Điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới. “Lợi thế lớn nhất của ngành Điều chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị hạt điều, chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang thành phẩm chế biến tinh, đi trực tiếp vào siêu thị...” Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công nêu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, khi các thị trường quan trọng ngày càng ưu tiên các sản phẩm được sản xuất xanh, đề cao việc bảo vệ môi trường, ngành Điều cần tiên phong trong thực hành sản xuất, kinh doanh xanh. Cụ thể, cần tập trung xây dựng mô hình quản trị theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc, giảm mức độ phát thải carbon đến mức thấp nhất. Trong vòng 5 năm tới, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh thì hạt điều Việt Nam khó đi thị trường cao cấp dù sản lượng đứng đầu thế giới.
Dịp này, Vinacas cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế... Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm liên quan hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.
Là một trong những doanh nghiệp có thâm niên kinh doanh, sản xuất điều ở Việt Nam, Vinapro đã tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, tìm ra giải pháp phù hợp để chế biến các sản phẩm từ nhân điều, đưa trực tiếp vào siêu thị để cung ứng tới thị trường trong nước. Từ khi ra mắt đến nay, sản phẩm sữa điều của Vinapro đã được thị trường trong nước đón nhận, đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng theo trường phái thực dưỡng. Việc chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang thành phẩm chế biến tinh của Vinapro không chỉ đón đầu xu hướng thị trường sữa hạt trong nước mà còn khẳng định được sự nhanh nhạy, linh hoạt trong định hướng chiến lược của Vinapro.
Ông Tạ Ngọc Hùng - CEO Tập đoàn Vinapro phát biểu trong sự kiện ra mắt sữa hạt điều Richer Milk
Cha đẻ sữa hạt điều Việt nam – CEO Tạ Ngọc Hùng khẳng định: Doanh nghiệp trẻ Việt nam không chỉ tiếp thu và áp dụng mà còn làm tốt công tác đổi mới sáng tạo để chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Sữa hạt điều của tập đoàn xuất khẩu là một minh chứng rõ nét của tinh thần đó.
Được biết, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh thị trường nhưng trong quý I/2023 Vinapro đã xuất 25 container tương đương gần 700 tấn hạt điều đi các nước Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Mexico, Georgia, Malaysia, Trung Quốc, Guatemala. Đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp này cũng liên tiếp cho ra các dòng sản phẩm được tinh tế từ nhân điều, tiêu biểu sữa hạt điều không đường đã được ra mắt hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị Điều lần thứ 12 còn tổ chức trao thưởng những nhân vật tiêu biểu và xuất sắc nhất của ngành Điều; trưng bày một số sản phẩm của ngành Điều trong đó có sữa nhân điều Richer Milk do Vinapro sản xuất.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đồ uống